I. Đặc điểm chung

  • Bệnh COVID-19 là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm A
  • Tác nhân gây bệnh: Vi rút SARS-CoV-2
  • Đường lây:
    • Qua đường hô hấp.
    • Qua tiếp xúc với đồ vật bị ô nhiễm với nguồn bệnh.
  • Thời kì ủ bệnh: thường từ 2-7 ngày, có thể lên tới 14 ngày.
  • Thời kì lây truyền: khoảng 2-3 ngày trước khi khởi phát.
  • Nguồn truyền nhiễm: Người bệnh và người lành mang trùng vừa là ổ chứa vừa là nguồn truyền bệnh. Người lành mang trùng đóng vai trò duy trì nguồn truyền nhiễm trong cộng đồng.
  • Tỷ lệ cao người nhiễm vi rút SARS-CoV-2 không có biểu hiện lâm sàng (khoảng 40%), gây khó khan trong việc giám sát.

II. Các định nghĩa sử dụng trong giám sát bệnh Covid-19

1. Định nghĩa ca bệnh

1.1. Ca bệnh nghi ngờ (ca bệnh giám sát)

Là người có ít nhất một trong các triệu chứng: sốt; ho; đau họng; khó thở; mệt mỏi, đau người, ớn lạnh; giảm hoặc mất vị giác, khứu giác; hoặc viêm phổi và có một trong các yếu tố dịch tễ sau:

  • Có tiền sử đến/qua/ở/về từ quốc gia, vùng lãnh thổ có ghi nhận ca mắc COVID-19
  • Có tiền sử đến/ở/về từ nơi có ổ dịch đang hoạt động tại Việt Nam trong vòng 14 ngày trước khi khởi phát bệnh.
  • Trong vòng 14 ngày trước khi khởi phát bệnh có tiếp xúc gần với ca bệnh xác định hoặc ca bệnh nghi ngờ.

1.2. Ca bệnh xác định

Là ca bệnh nghi ngờ hoặc bất cứ người nào có xét nghiệm dương tính (phát hiện vật liệu di truyền hoặc kháng nguyên) với vi rút SARS-CoV-2 được thực hiện bởi các cơ sở xét nghiệm do Bộ Y tế cho phép khẳng định.

2. Định nghĩa người tiếp xúc gần

2.1. Người tiếp xúc gần

  • Là người có tiếp xúc trong vòng 2 mét với ca bệnh trong khoảng thời gian từ 3 ngày trước khi khởi phát của ca bệnh cho đến khi ca bệnh được cách ly y tế.
  • Nếu là người lành mang trùng thì ngày khởi phát được tính là ngày lấy mẫu bệnh phẩm có xét nghiệm dương tính với vi rút SARS-CoV-2.

2.2. Người tiếp xúc gần bao gồm

  • Người sống trong cùng hộ gia đình, cùng nhà, cùng phòng.
  • Người trực tiếp chăm sóc, đến thăm hoặc người điều trị cùng phòng với ca bệnh xác định
  • Người cùng nhóm làm việc hoặc cùng phòng làm việc.
  • Người cùng nhóm có tiếp xúc với ca bệnh: nhóm du lịch, công tác, vui chơi, buổi liên hoan, cuộc họp, lớp học, cùng nhóm sinh hoạt tôn giáo, cùng nhóm sinh hoạt các câu lạc bộ ….
  • Người ngồi cùng hàng và trước sau hai hàng ghế trên cùng một phương tiện giao thông (tàu, xe ô tô, máy bay, tàu thủy …).
  • Bất cứ người nào có tiếp xúc gần với ca bệnh xác định hoặc ca bệnh nghi ngờ ở các tình huống khác trong trong khoảng thời gian từ 3 ngày trước khi khởi phát của ca bệnh xác định hoặc ca bệnh nghi ngờ cho đến khi ca bệnh xác định hoặc ca bệnh nghi ngờ được cách ly y tế.

3. Định nghĩa ổ dịch

  • Ổ dịch COVID-19: một nơi (thôn, xóm, đội/tổ dân phố/ấp/khóm/đơn vị…) ghi nhận từ 01 ca bệnh xác định trở lên.
  • Ổ dịch kết thúc: khi không ghi nhận ca bệnh xác định mắc mới trong vòng 28 ngày kể từ ngày ca bệnh xác định gần nhất được cách ly y tế.

Mốc điều tra dịch tễ

Khi phát hiện ca bệnh, có 2 nhóm vấn đề dịch tễ chính cần phải điều tra:

1. Điều tra xem bệnh nhân bị lây bệnh từ ai và từ đâu? (điều tra tìm nguồn lây)

Mốc thời gian điều tra tìm nguồn lây: trong vòng 14 ngày trước khi khởi phát của ca bệnh:

  • Bệnh nhân có đi/đến/về từ vùng đang có dịch, nếu có thì cụ thể ở đâu, khi nào?
  • Bệnh nhân có tiếp xúc gần với ca bệnh xác định hoặc ca bệnh nghi ngờ nào không, nếu có thì cụ thể là ai, ở đâu và khi nào?
  • Bệnh nhân có đi đến hoặc tham gia các hoạt động/sự kiện tập thể đông người mà có thể bị lây nhiễm, nếu có thì ở đâu, khi nào?
  • Bản thân bệnh nhân hoặc người nhà bênh nhân có tự nghĩ hoặc tự suy đoán là mình bị lây từ ai, từ chỗ nào và từ khi nào không?

2. Điều tra xem bệnh nhân có thể đã làm lây bệnh cho những ai? (truy vết F1)

Mốc thời gian điều tra truy vết F1: Điều tra truy vết tất cả những người đã tiếp xúc gần trong vòng 2 mét với bệnh nhân trong khoảng thời gian từ 3 ngày trước khi khởi phát cho đến khi bệnh nhân được cách ly y tế.

Yêu cầu giám sát trong giai đoạn hiện nay

  • Các ca bệnh nghi ngờ theo định nghĩa ca bệnh
  • Các trường hợp viêm phổi nặng nghi do vi rút
  • Các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính
  • Các trường hợp hội chứng cúm, đặc biệt khi có chùm ca bệnh tại cộng đồng, cơ quan, đơn vị, trường học

III. Các biện pháp phòng bệnh

1. Phòng bệnh không đặc hiệu

  • Không đến các vùng có dịch bệnh. Hạn chế đến các nơi tập trung đông người;
  • Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh đường hô hấp cấp tính (sốt, ho, khó thở);
  • Người có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh phải ở nhà, đeo khẩu trang, thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời;
  • Vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên dưới vòi nước chảy bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn thông thường ít nhất 20 giây; súc miệng, họng bằng nước xúc miệng, tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng;
  • Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp; rửa tay bằng xà phòng và nước hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho, hắt hơi. Không khạc nhổ bừa bãi;
  • Đảm bảo an toàn thực phẩm, chỉ sử dụng các thực phẩm đã được nấu chín.
  • Không mua bán, tiếp xúc với các loại động vật hoang dã.
  • Giữ ấm cơ thể, tăng cường sức khỏe bằng ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt hợp lý, luyện tập thể thao.
  • Tăng cường thông khí khu vực nhà ở bằng cách mở các cửa ra vào và cửa sổ, hạn chế sử dụng điều hòa
  • Thường xuyên vệ sinh nơi ở, cơ quan, trường học, xí nghiệp nhà máy… bằng cách lau nền nhà, tay nắm cửa và bề mặt các đồ vật trong nhà với xà phòng, chất tẩy rửa thông thường; hóa chất khử khuẩn khác theo hướng dẫn của ngành y tế.
  • Thường xuyên vệ sinh, khử trùng phương tiện giao thông: tàu bay, tàu hỏa, tàu thủy, xe ô tô…

2. Phòng bệnh đặc hiệu

Hiện nay bệnh chưa có vắc xin phòng bệnh đặc hiệu

3. Kiểm dịch y tế biên giới

  • Thực hiện giám sát hành khách nhập cảnh và áp dụng quy định về khai báo y tế theo Nghị định 89/NĐ-CP ngày 25 tháng 6 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm về kiểm dịch y tế biên giới và các chỉ đạo của Ban chỉ đạo Quốc gia, hướng dẫn của Bộ Y tế.
  • Việc cách ly và xử lý y tế tại cửa khẩu theo quy định tại Nghị định số 101/2010/NĐ-CP ngày 30 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm về áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế và chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch và các chỉ đạo của Ban chỉ đạo Quốc gia, hướng dẫn của Bộ Y tế.

4. Thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị phòng chống dịch

Các tỉnh, thành phố chủ động chuẩn bị đầy đủ thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị giám sát, xét nghiệm, phòng chống dịch của địa phương.

IV. Các biện pháp chống dịch

Phải tiến hành các biện pháp chống dịch càng sớm càng tốt, trong vòng 24 giờ kể từ khi phát hiện ca nghi ngờ đầu tiên.

1. Đối với bệnh nhân

  • Cách ly nghiêm ngặt và điều trị tại cơ sở y tế, giảm tối đa biến chứng, tử vong.
  • Hạn chế việc chuyển tuyến bệnh nhân để tránh lây lan trừ trường hợp vượt quá khả năng điều trị.
  • Điều trị, cách ly theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

2. Đối với người tiếp xúc gần (F1)

  • Tổ chức điều tra, truy vết thật nhanh người tiếp xúc gần ngay khi nhận được thông tin về ca bệnh. Lập danh sách tất cả người tiếp xúc gần
  • Tổ chức cách ly ngay tất cả người tiếp xúc gần tại cơ sở cách ly tập trung trong 14 ngày kể từ ngày tiếp xúc lần cuối với ca bệnh xác định.
  • Tốt nhất nên thiết lập cơ sở cách ly tập trung dành riêng cho người tiếp xúc gần vì những người này có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn các đối tượng cách ly tập trung khác.
  • Trong trường hợp không có cơ sở cách ly riêng thì trong cơ sở cách ly tập trung cần bố trí phân khu cách ly dành riêng cho những người tiếp xúc gần.
  • Những người sống trong cùng hộ gia đình, sống cùng nhà, cùng phòng ở, cùng phòng làm việc với ca bệnh xác định cần được cách ly riêng với những người khác vì những người này có nguy cơ bị lây bệnh cao nhất.

Lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2 bằng phương pháp PCR tối thiểu 2 lần trong quá trình cách ly.

  • Lấy mẫu lần 1 ngay khi được cách ly:
    • Nếu kết quả xét nghiệm PCR dương tính với SARS-CoV-2 thì xử lý như ca bệnh xác định.
    • Nếu kết quả xét nghiệm PCR âm tính với SARS-CoV-2 thì tiếp tục cách ly, theo dõi sức khoẻ hàng ngày (đo thân nhiệt, phát hiện các triệu chứng) tại cơ sở cách ly tập trung đủ 14 ngày kể từ ngày tiếp xúc lần cuối với ca bệnh xác định.
  • Lấy mẫu lần 2 trong ngày kết thúc cách ly:
    • Nếu kết quả xét nghiệm PCR dương tính với SARS-CoV-2 thì xử lý như ca bệnh xác định.
    • Nếu kết quả xét nghiệm PCR âm tính với SARS-CoV-2 thì kết thúc việc cách ly.

3. Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần (F2)

  • Yêu cầu cách ly F2 tại nhà trong khi chờ kết quả xét nghiệm PCR của F1:
    • Nếu kết quả xét nghiệm PCR của F1 dương tính với SARS-CoV-2 thì chuyển cấp cách ly F2 lên thành F1.
    • Nếu kết quả xét nghiệm PCR của F1 âm tính với SARS-CoV-2 thì F2 được kết thúc việc cách ly.

4. Đối với ca bệnh nghi ngờ (1)

Cho bệnh nhân đeo khẩu trang và đưa đi cách ly, điều trị ngay tại cơ sở y tế ở khu riêng với khu điều trị bệnh nhân xác định.

Lấy mẫu bệnh phẩm lần 1 để xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2 bằng phương pháp PCR ngay khi nhập viện:

  • Nếu ca bệnh nghi ngờ có KQXN PCR dương tính với SARS-CoV-2 thì xử trí là ca bệnh xác định.
  • Nếu ca bệnh nghi ngờ có KQXN PCR âm tính với SARS-CoV-2 thì tiếp tục cách ly đủ 14 ngày kể từ ngày tiếp xúc lần cuối với nguồn truyền nhiễm.

Lấy mẫu bệnh phẩm lần cuối để xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2 bằng phương pháp PCR trong ngày kết thúc cách ly

  • Nếu kết quả xét nghiệm PCR dương tính với SARS-CoV-2 thì xử lý là ca bệnh xác định.
  • Nếu kết quả xét nghiệm PCR âm tính với SARS-CoV-2 thì kết thúc việc cách ly.

5. Đối với người tiếp xúc gần với ca bệnh nghi ngờ

Yêu cầu cách ly tại nhà trong khi chờ kết quả xét nghiệm của ca bệnh nghi ngờ:

  • Nếu kết quả xét nghiệm PCR của ca bệnh nghi ngờ dương tính với SARS-CoV-2 thì chuyển cấp cách ly những người này thành F1.
  • Nếu kết quả xét nghiệm PCR của ca bệnh nghi ngờ âm tính với SARS-CoV-2 thì người tiếp xúc gần với ca bệnh nghi ngờ được kết thúc việc cách ly.

Tổ chức giám sát, tuyên truyền PCD chủ động tại cộng đồng

Thành lập ngay các tổ “Giám sát và tuyên truyền phòng, chống COVID-19 tại cộng đồng” gọi tắt là “tổ COVID cộng đồng” ở tất cả các khu dân cư trên địa bàn đang có dịch và các xã lân cận để tham gia chống dịch tại thực địa.
Nếu có nguồn lực nên mở rộng thành lập các tổ này ở tất cả các địa bàn khác.
Khoanh vùng cách ly y tế vùng có dịch

I. Mục đích
Khoanh vùng, cách ly y tế toàn bộ vùng có dịch, dập dịch triệt để, không để dịch lan rộng trong cộng đồng và không để dịch lây lan sang các vùng khác, địa phương khác.

II. Điều kiện áp dụng
Khi vùng dịch diễn biến phức tạp, các yếu tố dịch tễ khó kiểm soát và dịch có nguy cơ lây lan rộng.

III. Quy mô
Khoanh vùng gọn với nguyên tắc nguy cơ đến đâu thì khoanh vùng đến đó

  • Cụm dân cư
  • Khu phố, dãy phố
  • Thôn, tổ, đội, ấp
  • Xã, phường, thị trấn

IV. Thời gian áp dụng
Cách ly tối thiểu 14 ngày, tùy theo diễn biến tình hình dịch mà thời gian cách ly có thể kéo dài hơn.

Theo moh.gov.vn